Pilea là chi thực vật thân thảo hoặc cây bụi, có hoa, tên tiếng Việt là chi Lãnh thủy hoa thuộc họ Tầm ma (Urticaceae). Chi Pilea đa dạng loài với số lượng ước tính khoảng hơn 700 loài. Đến nay đã có 787 tên loài đã được công bố (theo International Plant Names Index, 2003). Các loài Pilea phân bố rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới ấm áp (trừ Úc và New Zealand). Tên Pilea bắt nguồn từ ‘pileus’ trong tiếng Latin có nghĩa là “felt cap - mũ vải dạ, vải nỉ”, dùng để chỉ lá đài (calyx - sepal) bao phủ quả bế (achene).
Hình ảnh: Một cây thuộc chi Pilea - KANSO Plant
Đa số các loài Pilea đều nổi bật với tán lá lạ mắt, màu sắc, kích thước và hình dạng lá phong phú. Có loài lá tròn như đồng xu, đơn sắc và mọng nước như Peperomia, có loài tán lá dài và có răng cưa, họa tiết bắt mắt. Pilea thường mọc thành bụi nhỏ, vì thế chúng phù hợp hoàn hảo khi trồng trong nhà.
ASPCA đã đưa nhiều loài Pilea vào danh sách thực vật không độc hại đối với con người và vật nuôi. Đây là loài cây thân thiện, lành tính và thích nghi tốt với điều kiện chăm sóc trong nhà. Cùng KANSO Plant khám phá các loài Pilea nổi bật và cách chăm sóc chúng nhé!
Pliea cadierie có tên tiếng Anh phổ biến là Aluminium Plant, Watermelon Pilea. Về Việt Nam, các nhà vườn thương mại bắt đầu gọi tên loài cây này là cây Sao băng hoặc Hổ nhĩ trắng dựa trên đặc điểm tán lá độc đáo của nó. KANSO Plant giữ nguyên tên Việt hóa này và đi kèm theo là tên khoa học chính thức để người Việt có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin về cây.
Cây Sao băng - Pilea cadierei là loài thực vật đặc hữu của Việt Nam và các tỉnh phía Nam Trung Quốc như Quý Châu, Vân Nam, được François Gagnepain và André Guillaumin miêu tả khoa học đầu tiên vào năm 1938. Danh pháp khoa học “Cadierei” để vinh danh nhà thực vật học người Pháp thế kỷ XX - Léopold Michel Cadière.
Hình ảnh: Cây Sao băng - Pilea cardierei tại vườn KANSO Plant
Đây là một cây lâu năm mọc cao đến 30 cm rộng 21 cm, với lá hình bầu dục màu xanh đậm, các vệt trắng ánh kim loại nằm dọc theo các đường gân lá như các mảnh nhôm (vì thế có tên là Aluminium Plant). Lá mọc đối xứng với 8 gân, trong đó là 2 gân giữa và mép có răng cưa không đều. Cây Sao băng khá ưa ẩm tương tự như lá May mắn. Nó được tìm thấy tự nhiên ở những khu vực râm mát, ẩm ướt dọc theo nền rừng.
Pilea peperomioides hay còn được biết đến rộng rãi với tên Việt hóa là cây Cỏ gương, cây Đồng xu và tên quốc tế là Chinese Money Plant. Đây là loài cây có nguồn gốc bản địa từ tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên thuộc miền Nam Trung Quốc.
Nhà thực vật học người Scotland George Forrest là người phương Tây đầu tiên thu thập Pilea peperomioides vào năm 1906 và một lần nữa vào năm 1910 tại dãy núi Thương ở tỉnh Vân Nam. Danh pháp khoa học Pilea peperomioides do nhà thực vật người Đức Friedrich Diels đặt vào năm 1912. Lá của P. peperomioides giống với một số loài thuộc chi Peperomia, họ Piperaceae nhưng cụm hoa lại giống họ Urticaceae, chính vì vậy loài cây này mới có tên khoa học “peperomioides” trong tiếng Latin có nghĩa là “giống peperomia”. Pilea peperomioides đã trở nên phổ biến vào thập niên 60 và 70 tại London và Edinburgh, dù được các người làm vườn nghiệp dư nhân giống rộng rãi bằng phương pháp giâm cành và truyền tay nhau nhưng các nhà khoa học vẫn biết rất ít về loài này. Phải đến năm 1978, bà D. Walport gửi những mẫu lá và cụm hoa đực đến Kew Gardens, Pilea Peperomioides mới được Wessel Marais, nhà thực vật học của Kew Gardens xác định là loài nay đã được định danh trước đó. Peperomioides được công bố chính thức vào năm 1984 với bức ảnh đầu tiên trên tạp chí Kew.
Hình ảnh: Cây Cỏ gương - Pilea peperomioides tại vườn KANSO Plant
Phạm vi phân bố của P. peperomioides mở rộng hơn vào năm 1946 bắt nguồn từ một nhà truyền giáo người Na Uy, Agnar Espegren. Năm 1945 ở Hồ Nam ông tìm thấy loài cây này và mang theo mẫu vật sống qua Calcutta, Ấn Độ rồi về lại Na Uy vào năm 1946. Trong suốt hành trình đó, ông đã gửi tặng P. peperomioides cho bạn bè, từ đó nó được lan rộng khắp vùng Scandinavia và nhiều khu vực khác trên thế giới. Xuất phát từ câu chuyện đó, P. peperomioides mới có các biệt danh như Friendship plant, Missionary plant, Pass-along plant…
Cây Cỏ gương mọc thẳng với các cuống lá dài tỏa đều thân trụ, tán lá tròn như đồng xu với màu xanh tươi sáng. Bên cạnh giống cơ bản có màu lục bảo, P. peperomioides còn có các giống với tán lá điểm xuyết họa tiết bắt mắt như P. peperomioides ‘Mojito’, P. peperomioides ‘Sugar’, P. peperomioides ‘White splash’.
Watermelon peperomia hay ở Việt Nam gọi là Cây lá sọc dưa hấu, Cây Sọc dưa,...thường bị nhẫm là cùng chi cùng loài với Cây cỏ gương vì hình thái có nhiều tương đồng. Dựa theo cơ sở khoa học thì đây là hai loài khác nhau hoàn toàn, thậm chí nói về họ hàng xa thì cũng không. Watermelone peperomia có tên khoa học là Peperomia argyreia, thuộc chi Peperomia, họ Piperaceae. Trong khi đó, Pilea peperomioides thuộc chi Pilea, họ Urticaceae. Các loài thuộc chi Pilea rất đa dạng hình thái và Pilea peperomioides (Cây cỏ gương) trùng hợp có vẻ ngoài giống Watermelon Peperomia nên mới có những nhầm lẫn như trên.
Hình ảnh: So sánh cây Sọc dưa hấu (trên) và cây Cỏ gương (dưới) - KANSO Plant
Pilea nummulariifolia có tên tiếng Việt là Bạc hà Nhật Bản vì có vẻ ngoài tương tự như lá bạc hà và loài cây này cùng họ với lá rau húng lủi mà người Việt thường ăn sống. Khác với bạc hà hay húng lủi, P. nummular không có mùi thơm, thường mọc thấp và bò ngang tạo thành thảm xanh tươi.
Hình ảnh: Cây Bạc hà Nhật Bản - Pilea nummulariifolia - KANSO Plant
Cây Bạc hà Nhật Bản có xuất xứ bản địa ở vùng Caribe (bao gồm Florida), phía bắc Nam Mỹ, Tây Ấn và Peru. Loài này được Wedd. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1852. Trên thị trường quốc tế, cây Bạc hà Nhật Bản còn được gọi với tên Creeping Charlie.
Các loài Pilea, đặc biệt là cây Sao băng thích nghi tốt với điều kiện ánh sáng trung bình. Vì vậy đây là những cây lý tưởng cho điều kiện trong nhà, không cần đón nắng vẫn phát triển tốt. Đối với vườn trồng cần chú ý ánh nắng tán xạ, có bóng râm hoặc mái che cho Pilea.
Hình ảnh: Ánh sáng tán xạ dưới bóng râm là lý tưởng nhất với Pilea - KANSO Plant
Pilea dễ héo rũ nên cần tưới nước thường xuyên, nhất là khi lớp đất trên cùng đã khô. Tuy nhiên giống như hầu hết các loại cây trồng trong nhà, nên tưới Pilea với lượng nước vừa phải, không để đất ẩm ướt kéo dài vì dễ gây úng rễ. Những ngày trời mưa, trời lạnh nên giảm tưới cho cây.
3. Độ ẩm đối với Pilea
Là thực vật ưa ẩm, Pilea thường là một trong những lựa chọn ưu tiên trồng trong tiểu cảnh terrarium. Biểu hiện thiếu ẩm là lá rũ, đầu lá hơi khô và giòn hơn…Đừng nhầm giữa độ ẩm và lượng nước tưới vì nếu áp dụng sai sẽ khiến cây rơi vào tình trạng ngập úng khó cứu. Khi tưới đủ nước nhưng cây trông vẫn thiếu sức sống có thể là do độ ẩm không khí giảm, điều này thường xảy ra khi đặt cây trong phòng có điều hòa. Giải pháp đó là sử dụng phun tạo độ ẩm hoặc xịt nước lên lá, lau lá thường xuyên.
Hình ảnh: Các cây Pilea có nhu cầu độ ẩm và nước cao - KANSO Plant
Nhiệt độ thường sẽ thích hợp với các cây ưa ẩm Pilea. Chú ý không để cây tiếp xúc với các nguồn nhiệt cao.
Đa phần các cây cảnh mini, cây trong nhà đều không có nhu cầu cao về dinh dưỡng. Nếu cần thiết phải bón phân thì nên chọn phân tan chậm dành cho cây trồng trong chậu, cây trong nhà thay vì các loại phân bón mạnh, hàm lượng cao dùng trong đất canh tác.
Các cây Pilea như cây Sao băng, cây Cỏ gương, cây Bạc hà Nhật…thường sẽ gặp các vấn đề về lá khác nhau.
Đối cây Cỏ gương, khi lá cong lại hoặc cuộn trọn dọc theo mép lá, có thể là do cây không nhận đủ ánh sáng gián tiếp, do nhiệt độ phòng quá cao hoặc do độ ẩm trong phòng quá khô. Tưới nước quá nhiều hoặc quá ít cũng có thể gây ra vấn đề này. Nếu các lá phía dưới cong và rũ xuống, lá vàng mềm thì cần nên điều chỉnh lượng nước tưới ít lại, nên để lớp giá thể trên cùng khô giữa mỗi lần tưới. Còn các lá phía trên cong vào trong như chiếc dù thì do cây đang phản ứng với ánh nắng mạnh và nhiệt độ cao. Nên kiểm tra vị trí đặt cây và thay đổi cho hợp lý.
Hình ảnh: Vấn đề về lá phổ biến ở các loài cây Pilea - KANSO Plant
Đối với cây Sao băng, cây Bạc hà Nhật thường gặp nhất đầu lá nâu với quầng sáng màu vàng, lá khô giòn và rụng…Đây là dấu hiệu thiếu ẩm, thiếu nước nghiêm trọng, cần ngâm cây vào khay nước, xịt phun sương cho lá và điều chỉnh lại lượng nước, tần suất tưới.
Bệnh thối rễ xảy ra với hầu hết các cây trồng trong chậu không chỉ riêng với Pilea. Các dấu hiệu bao gồm lá vàng nhanh, héo úa (kể cả lá non). Khi phát hiện nên kiểm tra ngay phần gốc rễ ngay để tiếp tục các biện pháp cứu cây nếu có thể.
Rệp là nỗi lo lớn cho các loại cây cảnh, chúng tụ tập bên dưới lá và thân cây, hút chất từ lá khiến lá vàng và rụng dần. Biểu hiện là những đốm vàng và nấm mốc đen bắt đầu xuất hiện trên mặt lá. Khi rệp ăn, chúng bài tiết ra một chất dịch tạo điều kiện nấm mốc phát triển gây hại nghiêm trọng cho cây.
Ngoài ra, bệnh phấn trắng và viêm nấm thực vật (mốc xám) xuất phát từ tưới nước quá nhiều kết hợp với nhiệt độ thấp và thiếu sáng khiến nước tù đọng, gây ẩm ướt kéo dài sinh ra vi khuẩn.