Lưỡi hổ là chi thực vật có hoa thuộc họ Măng Tây (Asparagaceae), có tên chi cũ là Sansevieria. Đến năm 2017, chi Sansevieria đã được sáp nhập vào chi Dracaena dựa trên các nghiên cứu phát sinh chủng loại phân tử. Lưỡi hổ (Sansevieria/Dracaena) có nhiều tên gọi quốc tế như Snake Plant, Mother in laws tongue, Saint George's Sword, Viper's Bowstring Hemp. Tên tiếng Anh phổ biến hơn cả là Snake Plant.
Lưỡi hổ (Sansevieria/Dracaena) có nguồn gốc bản địa là châu Phi trước khi chúng trở thành một trong những dòng cây trong nhà phổ biến nhất mọi thời đại tại châu Á. Trong tự nhiên, người ta cũng có thể nhìn thấy Lưỡi hổ ở những vùng nhiệt đới ấm áp như Tây Phi, Nam Á hay Madagasca, Nigeria và Brazil. Ngoài ra ở Mỹ, có thể thấy chúng mọc ở Florida và Hawaii.
Chi này có hơn 70 loài thực vật khác nhau, nhưng tất cả chúng đều nổi bật với vẻ ngoài có chút “kỳ quái” cùng hoạ tiết rằn ri trên những tán lá thẳng đứng và cứng cáp. Hơn nữa, công dụng thanh lọc không khí của chúng cũng chiếm hàng “top”. Theo nghiên cứu không khí sạch NASA, lưỡi hổ là “chuyên gia lọc không khí” với khả năng loại bỏ đến 107 khí độc bao gồm cả 4 độc tố chính là trichloroethylene, formaldehyde, benzen và xylen. Trong đó, hai độc tố có thể gây ung thư là formaldehyde và nitrogen oxide cũng được Lưỡi hổ hấp thu tốt trong đó khả năng hút độc formaldehyde lên đến 0,938 gram/h.
Hình ảnh: Lưỡi hổ - Sansevieria (Dracaena) tại vườn KANSO Plant
Lưỡi hổ thuộc nhóm thực vật CAM (Crassulacean Acid Metabolism), có cơ chế quang hợp ngược, tức là đêm về lưỡi hổ vẫn tiếp tục hấp thụ CO2 và nhả O2 ra ngoài. Vì thế chúng còn được gọi là “oxygen bombs”. Ngoài oxy, cây có giải phóng hơi ẩm ra ngoài không khí và tiêu diệt các chất gây dị ứng. Chính vì thế, chúng chính là lựa chọn số 1 để đặt trong phòng ngủ.
Có thể tạm chia Lưỡi hổ (Sansevieria/Dracaena) với hai loại chính dựa vào hình dáng lá: một loại dáng lá dài, thẳng đứng như mũi mác và cao cùng một loại tương đối thấp, mọc chụm lại với tán lá tròn đều và lá hình bầu hơn. Ở Việt Nam có khoảng loài Lưỡi hổ (Sansevieria/Dracaena) phổ biến, không khó để bắt gặp chúng trong trang trí nội thất, cửa hàng…
Tại KANSO Plant, Sansevieria/Dracaena bacularis có tên tiếng Việt là Ngà voi. Đây cũng là một trong số những cây thuộc Lưỡi hổ - Snake Plant được ưa chuộng ở Việt Nam. Tên gọi phổ biến của Cây Ngà voi trên thị trường quốc tế là Sansevieria Fernwood Mikado hay Sansevieria bacularis Mikado. Một điều thú vị đó là tên gọi Sansevieria/Dracaena bacularis xuất phát từ từ gốc “baculum” trong tiếng Latin nghĩa là gậy hay thanh trượng.
Hình ảnh: Cây Ngà voi - Sansevieria/Dracaena bacularis
Ngà voi - Sansevieria/Dracaena bacularis có nguồn gốc lâu năm ở vùng nhiệt đới phía Tây châu Phi, trong đó tập trung chủ yếu ở hai quần đảo Madagascar và Reuinion. Cây Ngà voi Mikado có hình dáng lá độc đáo và lá có thể dài đến 170 cm. Là một loài cây không thân, lá của cây Ngà voi mọc đơn lẻ, vươn dài với đầu nhọn nhưng mềm và những đường sọc xanh đậm chạy dọc theo thân lá màu xanh xám đặc trưng. Chính vì lá cứng cáp và hình trụ dáng nhọn như chiếc Ngà voi sắc bén, nên Sansevieria/Dracaena bacularis mới được gọi với tên cây Ngà voi.
Lưỡi hổ Trifasciata có tên khoa học hiện tại là Dracaena trifasciata. Đây có lẽ là loài Sansevieria được biết đến nhiều nhất. Chúng có nguồn gốc từ Châu Phi, chủ yếu tập trung ở vùng nhiệt đới Tây Phi. Ở các khu vực này, chúng còn được gọi chung là Snake Plant hay Mother-in-law’s tongue. Tại đây cây Sansevieria/Dracaena trifasciata được sử dụng như một loại nguyên liệu để sản xuất gai dầu, đây là một chất kết dính dây thừng, rổ, rá.
Lá Lưỡi hổ Trifasciata hình mũi mác, đầu nhọn. Chúng thường mọc thành bụi lớn, thân lá mọng và đạt chiều dài từ 40 đến 60 cm. Sansevieria/Dracaena trifasciata bao gồm các giống có đặc điểm nhận biết là các họa tiết dải sọc ngang. Cây Lưỡi hổ Trifasciata cũng có hoa và hoa của cây có màu trắng nhạt. Chiều cao của cây Lưỡi hổ Trifasciata có thể lên đến 1.6m.
Hình ảnh: Cây Lưỡi hổ Sansevieria/Dracaena Trifasciata
Lưỡi hổ Trifasciata có nhiều giống lai khác nhau và đa dạng về hình dáng cũng như màu sắc lá. Các giống thuộc Lưỡi hổ Trifasciata phổ biến nhất có thể kể đến:
Lưỡi hổ mép vàng - Sansevieria/Dracaena Trifasciata ‘Laurentii’: Lá có những hoa văn nổi bật với những lốm đốm, sọc ngang xanh sẫm và mép lá màu vàng sáng đặc trưng. Đây cũng là lý do người ta gọi Laurentii là Lưỡi hổ mép vàng hay Lưỡi hổ viền vàng.
Hình ảnh: Cây Lưỡi hổ mép vàng - Sansevieria/Dracaena Trifasciata ‘Laurentii’
Lưỡi hổ thái - Sansevieria/Dracaena trifasciata ‘Hahnii’: Hay còn được gọi là Sansevieria trifasciata Black star vì tán lá mọc xòe như ngôi sao, phiến lá xanh đậm gần như với viền vàng tương phản nổi bật. Hiện chưa có báo cáo khoa học nào xác định Sansevieria trifasciata ‘Hahnii’ có nguồn gốc từ Thái Lan. Tên Lưỡi hổ Thái vốn là tên thương mại ở nước ta thường gọi vì đa phần nhập hàng từ Thái Lan.
Hình ảnh: Cây Lưỡi hổ Thái - Sansevieria/Dracaena trifasciata 'Hahnii'
Lưỡi hổ dáng lùn - Sansevieria trifasciata ‘Futura Simplex’: Cây có phiến lá tương tự như ‘Laurentii’ và hình dáng tương tự như ‘Hahnii’. Sự pha trộn này giúp ‘Futura Simplex’ cân bằng đặc điểm của hai giống trên.
Hình ảnh: Cây Lưỡi hổ dáng lùn - Sansevieria trifasciata ‘Futura Simplex’
Lưỡi mèo - Sansevieria/Dracaena trifasciata ‘Green Hahnii’: Cây được gọi là Lưỡi cọp lùn và còn có tên tiếng Anh là Bird's Nest Snake Plant. Green Hahnii vẫn giữ nguyên bản sắc là màu xanh với họa tiết rằn ri của Trifasciata. Dáng lá lùn có hình phễu và mọc tỏa đều như hình hoa thị.
Hình ảnh: Cây Lưỡi mèo - Sansevieria/Dracaena Trifasciata ‘Green Hahnii’
Lưỡi mèo bạc - Sansevieria/Dracaena trifasciata ‘Silver Hahnii’: Lưỡi mèo bạc Silver Hahnii có ngoại hình tương tự như Green Hahnii, tuy nhiên sắc lá như được phủ một lớp bạc tạo nên sự độc đáo của cây.
Hình ảnh: Cây Lưỡi mèo bạc - Sansevieria/Dracaena trifasciata ‘Silver Hahnii’
Lưỡi mèo vàng - Sansevieria trifasciata 'Golden Hahnii': Ngoại hình tương tự với Hahnii pha chút Laurentii. Lưỡi hổ vàng Golden Hahnii thu hút bởi sắc vàng bóng bẩy.
Hình ảnh: Cây Lưỡi mèo vàng - Sansevieria/Dracaena trifasciata ‘Golden Hahnii’
Lưỡi hổ đen - Sansevieria/Dracaena trifasciata ‘Black Coral’: Đây là giống tương đồng nhất với Sansevieria/Dracaena trifasciata, đặc biệt là về hoa văn và hình dáng lá. Lưỡi hổ Black coral có màu xanh sẫm gần như đen, lá thuôn dài mọc thẳng như những thanh kiếm. Màu sắc đặc trưng và mang vẻ cuốn hút theo cách riêng, Lưỡi hổ đen mới được ưu ái gọi là “Black Coral”.
Hình ảnh: Cây Lưỡi hổ đen - Sansevieria/Dracaena trifasciata ‘Black Coral’
Đây là một trong những cây Lưỡi hổ “iconic”. Tổ tiên của Cây Lưỡi hổ xanh - Sansevieria/Dracaena zeylanica đến từ châu Phi và châu Á, tập trung chủ yếu ở Sri Lanka và Ấn Độ. Cây thường phát triển từ 8 đến 15 lá và có đạt chiều cao khoảng 30cm.
Lưỡi hổ xanh Zeylanica là một loại cây cực kỳ quan trọng được sử dụng trong suốt nhiều thế kỷ trước để sản xuất dây thừng chất lượng cao dùng làm dây thừng, giỏ, dây cung và nhiều sản phẩm khác.
Cây Sansevieria/Dracaena zeylanica có lá dài, hẹp, dày với hoa văn màu xanh sẫm như những gợn sóng nằm ngang. Thân lá mọc thành cụm và vươn thẳng như những thanh kiếm màu xanh xám bóng loáng. Vẻ ngoài của Zeylanica có thể liên tưởng đến Sansevieria/Dracaena trifasciata ‘Black Coral’, tuy nhiên Lưỡi hổ Black Coral có phần sẫm màu hơn. Hoa màu trắng hoặc kem mọc trên cuống hoa dài nhưng rất hiếm khi nở, đặc biệt là khi trồng trong nhà.
Hình ảnh: Cây Lưỡi hổ xanh - Sansevieria/Dracaena zeylanica
Cây Nanh heo - (Sansevieria/Dracaena cylindrica) có tên tiếng Anh là African spear plant hay Cylindrical snake plant. Ở Việt Nam, tùy theo khu vực, vùng miền, Sansevieria/Dracaena cylindrica cũng được gọi là Cây Ngà voi.
Sansevieria/Dracaena cylindrica có nguồn gốc Nam Phi, chủ yếu ở Angola. Đây cũng là một trong những cây trong nhà khá được ưa chuộng ở Anh bởi đặc tính chịu được nhiệt độ lạnh của chúng. Nó phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 15°C đến 23°C, nhưng cũng có thể chịu được nhiệt độ thấp ở mức 10°C.
Hình ảnh: Cây Nanh heo - Sansevieria/Dracaena cylindrica
Là một loại cây mọng nước phát triển chậm, Sansevieria/Dracaena cylindrica có tán lá cao, nhẵn, giống như ngọn giáo hay còn được liên tưởng đến những cái nanh bởi sự cứng cáp và sắc nhọn của lá. Tán lá hình cột, thẳng đứng có thể phát triển đến độ dài 1 m và dày 2 đến 3 cm. Cây non thường có dải ngang màu xanh đậm. Khi già dần, lá cây Nanh heo cylindrica trở nên nhăn nheo hơn. Trên thị trường cũng có nhiều giống lai của loài sansevieria này như “Spaghetti”, “Skyline” và “Patula”.
Cây Sansevieria/Dracaena francisii có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Kenya, Châu Phi. Francisii Snake Plant với lá cứng cáp, mọc thành thân trụ và xòe rộng ở những tán lá như mũi mác nhọn hếch lên. Vẻ ngoài của Sansevieria/Dracaena francisii tương tự như cây Ngà voi Balcularus và cây Nanh heo Cylindrica. Tán lá Sansevieria francisii có thể có màu từ xanh ngọc lục bảo đậm đến xanh xám sẫm, phụ thuộc vào điều kiện ánh sáng mà cây nhận được.
Hình ảnh: Cây Ngà voi - Sansevieria/Dracaena francisii
Hình ảnh: Lưỡi hổ Sansevieria (Dracaena) có thể thích nghi tốt với nhiều điều kiện ánh sáng
Lưỡi hổ vốn là loài cây ưa khô. Nên tần suất tưới cây cũng không quá cao như những loài cây ưa ẩm khác, đặc biệt trong môi trường lạnh và độ ẩm cao thì chỉ cần tưới khoảng 2 lần/tháng. Còn nếu điều kiện thông thường hoặc tùy vào lượng nước tưới, có thể tưới mỗi tuần một lần hoặc kiểm tra đất trước khi tưới để điều chỉnh cho hợp lý.
Khi tưới cây tránh để lá cây đọng nước qua đêm, các hạt nước sẽ trượt về nách lá khiến lá cây dư ẩm, gây ra tình trạng úng lá cục bộ.
Hình ảnh: Cần chú ý tưới nước đúng cách cho Lưỡi hổ Sansevieria (Dracaena)
Cần trồng Lưỡi hổ trong hỗn hợp đất thông thoáng, có độ thoát nước tốt và độ pH trung tính để cây có thể phát triển ổn định, không gặp tình trạng thối rễ.
Hình ảnh: Giá thể rất quan trọng đối với cây ưa khô như Lưỡi hổ Sansevieria (Dracaena)
Vì Lưỡi Hổ không phải cây ưa ẩm nên việc cấp ẩm cho cây là không cần thiết. Chúng thích hợp với nơi có nhiệt độ ấm áp từ 13 đến 29 độ C.
Hình ảnh: Lưỡi hổ Sansevieria (Dracaena) không quá khắt khe về độ ẩm và nhiệt độ
Những vấn đề về chăm sóc cây luôn là một trong những khó khăn mà các đối tác có thể phải đối diện khi bắt đầu tham gia vào thị trường kinh doanh cây cảnh. Thấu hiểu được điều đó, KANSO luôn nỗ lực nhằm cung ứng nguồn cây chất lượng ngay từ vườn trồng, đồng thời kèm theo tư liệu và tư vấn chuyên môn. Tất cả nhằm hỗ trợ các quý đối tác giảm thiểu tối đa rủi ro, tạo dựng uy tín trên thị trường và đối với khách hàng. Xem thêm
Cây lưỡi hổ dễ bị nhiễm các bệnh do nấm và virus khác nhau giống như nhiều loại cây trồng trong nhà khác. Bệnh nấm phổ biến nhất là thối rễ. Cây lưỡi hổ ưa khô vì thế rất nhạy cảm với việc tưới nước quá nhiều và có thể bị thối rễ nếu lượng nước thừa và độ ẩm quá giá thể cao.
Hình ảnh: Dư nước và ẩm cao sẽ sinh nấm mốc, vi khuẩn gây hại cho Lưỡi hổ Sansevieria (Dracaena)
Bệnh bạc lá cũng là một bệnh nấm khác có thể gây hại cho Lưỡi Hổ. Dấu hiệu xuất hiện dưới dạng những chấm đen nhỏ trên tán lá và có thể lan rộng thành những mảng màu nâu hoặc xám lớn hơn. Để điều trị bệnh bạc lá, hãy cắt bỏ những tán lá bị hư hỏng và thay đất cho cây.
Nấm mốc là một bệnh nấm phổ biến khác. Nấm mốc xuất hiện dưới dạng những chấm trắng mờ có thể lây lan trên tán lá và có thể lây lan sang các cây khác. Loại bỏ những tán lá bị hư hỏng, làm sạch những tán lá còn lại và cung cấp cho cây nhiều ánh sáng hơn sẽ giúp cây phục hồi.
Rệp sáp và nhện sẽ tấn công lá của Lưỡi hổ - Sansevieria (Dracaena) để hút nhựa, gây nhiễm trùng cục bộ hoặc toàn bộ thân lá. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức sống mà còn làm mất đi vẻ đẹp tổng thể của cây.
Cần thường xuyên chú ý đến tình trạng của cây để kịp thời phát hiện và giải quyết vấn đề rệp và nhện tấn công Lưỡi hổ. Nếu thấy rệp sáp và nhện đỏ bắt đầu xuất hiện trên lá, có thể dùng nước rửa đi và lau lại bằng các loại tinh dầu tự nhiên như lá neem để ngăn nguy cơ côn trùng trở lại, gây hại nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, nên cách ly các cây Lưỡi hổ bị hư hại khỏi các cây khác để tránh lây lan.
Hình ảnh: Nên kiểm tra định kỳ để phòng ngừa và giải quyết vấn đề côn trùng gây hại Lưỡi hổ Sansevieria (Dracaena)
Như những loài cây mọng nước khác, nếu đất trồng không thông thoáng và tưới nước quá nhiều thì thối rễ ở cây Lưỡi hổ là chuyện sớm muộn cũng xảy ra.
Bệnh thối rễ ở Lưỡi hổ (Sansevieria/Dracaena) là bệnh nhiễm nấm do rễ cây tiếp xúc với quá nhiều nước trong thời gian dài. Vào mùa mưa, Lưỡi hổ sẽ cần ít nước hơn, vì vậy nếu duy trì mức nước như cũ thì cây có thể bị bão hòa. Một khi rễ đã bão hòa, chúng không thể hấp thụ nước đúng cách nữa. Chúng sẽ chuyển từ hệ thống rễ màu trắng khỏe mạnh sang màu nâu và nhão đi. Khi thấy cây bị héo, chuyển màu hay có vẻ lung lay ở phần gốc, đó cũng là một biểu hiện cho thấy Lưỡi hổ bị úng rễ.
Cây Lưỡi Hổ chứa độc tính nhẹ đối với cả con người và thú nuôi. Nếu nuốt phải có thể gây tình trạng kích ứng miệng và dạ dày, thậm chí còn gây nôn mửa, rối loạn tiêu hóa.