Bàng Singapore được trồng phổ biến trong nhà nhờ những chiếc lá bản to với kích thước to nhỏ khác nhau. Chúng phù hợp để lấp đầy góc nhà với chậu để sàn hay trang trí bàn làm việc với một chậu cảnh mini.
Cây Bàng Singapore có nguồn gốc từ Tây Phi với tên khoa học là Ficus Pandurata. Những người chơi cây dựa vào dáng lá đã đặt tên tiếng Anh cho Bàng Singapore là Fiddle Leaf Fig. Tốc độ phát triển của chúng khá chậm, giúp cây giữ dáng lâu, phù hợp với không gian trang trí trong nhà
Mặt lá xanh bóng và sẫm màu khiến gân lá thêm phần nổi bật. Phần gân chính nổi rõ xuyên qua tâm và từ giữa ra rìa lá, kèm theo đó là mạng lưới gân nhỏ dày đặc trên bề mặt. Kích thước của lá có thể dài đến 12 inch, rộng 5 inch hoặc hơn. Càng gần ngọn, lá cây mọc càng xum xuê và ngược lại, càng về phía gốc, lá càng thưa thớt dần.
Trong môi trường sống tự nhiên, Bàng Singapore cũng sẽ ra hoa và kết quả; tuy nhiên, với điều kiện trong nhà thì điều này khó có thể xảy ra.
Ngoài ra, người phương Đông quan niệm, cây Bàng Singapore đại diện cho sức khỏe. Người sở hữu loại cây này sẽ gặp nhiều may mắn, luôn sống vui khỏe và thuận lợi trong cuộc sống.
Hình ảnh: Đặc điểm và nguồn gốc cây bàng singapore
Chăm sóc loài cây này trong nhà là điều dễ dàng với cả những người mới chơi!
Với đặc tính của một cây thân gỗ, Bàng Singapore ngoài tự nhiên thích nghi tốt với điều kiện ánh sáng cao. Nhưng thực tế cho thấy, khi cây được đặt dưới ánh sáng gắt gao ngoài trời vào khung giờ trưa đã xảy ra tình trạng cháy lá vì mất nước cục bộ do tình trạng thoát hơi nước nhanh.Vì vậy, trồng Bàng Singapore trong nhà chỉ cần cường độ ánh sáng phù hợp và tránh ánh nắng trực tiếp. Chúng rất nhạy cảm với ánh sáng, hãy đặt cây ở nơi có ánh sáng gián tiếp từ trung bình đến sáng (75-150 FC), chẳng hạn như khu vực gần cửa sổ có rèm che, hành lang, cầu thang. Để cây phát triển đồng đều, đừng quên xoay chậu cây vài tháng một lần khi thấy cây có xu hướng nghiêng về phía nguồn sáng.
Bàng Singapore là loài cây ưa khô nên chỉ tưới nước khi phần trên cùng của đất đã khô. Tưới cây từ trên cao xuống đều và tưới nước ở phần xung quanh gốc để nước ngấm đến rễ. Vào những ngày trời lạnh, hoạt động thoát hơi nước diễn ra chậm hơn nên lượng nước tưới và tần suất tưới cần được điều chỉnh sao cho phù hợp. Tình trạng thiếu nước thì dễ khắc phục hơn là úng nước do tưới quá nhiều.
Độ ẩm không khí nằm trong khoảng 40-60% cùng nhiệt độ phòng ở mức 20-28°C chính là thiên đường cho sự phát triển của Bàng Sing. Tránh cho cây sống trong môi trường dưới 12°C. Tránh đặt cây ở nơi có gió lùa hoặc trực tiếp dưới luồng gió máy lạnh.
Hình ảnh: Hướng dẫn cách chăm sóc cây bàng sing
* Nguyên nhân tình trạng rụng lá?
- Lá phía dưới sẽ rụng tự nhiên để cây đang phát triển mầm mới hoặc lá non ở phần ngọn.
- Rụng lá do thiếu nước hoặc thiếu ẩm. Biểu hiện của việc này chính là các mép trên lá có màu nâu và khô khi độ ẩm quá thấp khiến không khí bị khô, hoặc có thể không đủ nước hoặc cả hai. Giải quyết vấn đề này bằng cách tăng độ ẩm hoặc tưới nước kỹ hơn cho cây. Tốt nhất nên cắt bỏ những lá khô và có viền nâu.
- Cây bị dịch chuyển sang chỗ mới, chúng sẽ rụng lá để thay đổi và thích nghi với nơi ở này.
- Gió lạnh cũng có thể làm rụng lá.
* Tại sao lá mềm và có các mảng hơi nâu?
- Nhiều khả năng vì tưới quá nhiều nước hoặc nhiệt độ lạnh hoặc cả hai. Kiểm tra đất từ trên xuống xem có quá ướt hay không. Nếu nó khá ẩm ướt hoặc sũng nước thì có thể nên loại bỏ lớp đất cũ và thay thế nó. Cần tăng nhiệt và có thể giảm độ ẩm trong phòng để xác định có thể khắc phục tình trạng này của cây hay không.
* Mẹo nhỏ
Làm sạch bề mặt lá bằng khăn ẩm giúp việc trao đổi khí của cây diễn ra tốt hơn. Lá sạch, sáng bóng càng tôn lên vẻ đẹp của cây, giúp không gian sống và làm việc thêm trang nhã và thoáng đãng hơn.
Nhựa của loài cây này có khả năng gây kích ứng da. Nếu ăn phải, có thể gây ra phản ứng có hại cho vật nuôi